Nestlé Việt Nam Được Vinh Danh Doanh Nghiệp Bền Vững Nhất Việt Nam
Ngày 9/12/2021, Nestlé Việt Nam được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn là doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam năm 2021 trong lĩnh vực sản xuất. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nestlé Việt Nam nằm trong nhóm 3 doanh nghiệp bền vững nhất và là năm đầu tiên đơn vị được vinh danh là doanh nghiệp bền vững nhất tại Việt Nam.
Từ hơn 600 doanh nghiệp, ban tổ chức đã lựa chọn ra 100 doanh nghiệp tiêu biểu nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững. Để đạt được sự ghi nhận cao quý này, Nestlé Việt Nam đã đáp ứng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững năm 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội.
Nhân dịp này, Hội đồng cũng đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tổ chức đánh giá và tôn vinh Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp tiêu biểu có cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện qua việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển nhân sự, từ tuyển dụng, hoạch định vị trí kế thừa, thăng chức. Tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao, lãnh đạo đã không ngừng tăng lên. Nestlé cũng mở rộng cam kết ra toàn chuỗi giá trị và ra cộng đồng.
Từ năm 2020, công ty hợp tác cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” và định hướng cho các hoạt động trong thời gian tới. Với các hoạt động về truyền thông dinh dưỡng cũng như xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ làm chủ kinh tế, chỉ sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã thu hút hơn 4.000 hội viên tại 700 xã trên 10 tỉnh thành, tạo ra những tác động và thay đổi tích cực cho cuộc sống ở các khu vực mà chương trình tiếp cận.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: “Bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp thì Bộ chỉ số CSI và chương trình cũng nhận được sự ghi nhận to lớn của Chính phủ về tính hiệu quả và tác động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. Phải xác định thực hiện phát triển bền vững, xây dựng văn hóa phát triển bền vững như là giải pháp sự phục hồi và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covd-19. Những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.”
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD chia sẻ niềm vinh dự được bình chọn là doanh nghiệp bền vững nhất: “Trong tất cả hoạt động Nestlé đều hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để “Tạo giá trị chung”, là đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh và các mục tiêu đó nếu muốn bền vững phải gắn với một tầm nhìn vào tương lai. Hơn thế, chúng tôi tin rằng phát triển bền vững là không đủ mà chúng ta có thể can thiệp để có những tác động tích cực nhằm tái tạo lại hệ sinh thái, từ đó duy trì khả năng tự phục hồi và tái sinh của tự nhiên, góp phần tích cực trong nỗ lực chống biển đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai. Đây chính là cách tiếp cận mới được chúng tôi định hướng và gắn liền trong các chương trình và sáng kiến phát triển bền vững của công ty.”
Được biết, từ 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động bền vững mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration). Theo đó, các cam kết về phát triển bền vững cho các mục tiêu giúp cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn; giúp phát triển các cộng đồng thịnh vượng và vững mạnh; quản lý tài nguyên cho các thế hệ mai sau, sẽ được gắn kết chặt chẽ để cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, nhằm chung tay ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, tập đoàn Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải carbon theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 thông qua giảm thiểu lượng phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng. Tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong xây dựng nông nghiệp tái sinh thông qua dự án NESCAFÉ Plan.
Kể từ khi được triển khai tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua, dự án NESCAFÉ Plan đã gắn kết chặt chẽ với nông dân khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cao chất lượng hạt cà phê, cải thiện phương pháp canh tác, tái canh cây cà phê già cỗi, và gia tăng thu nhập cho các nông hộ. Cụ thể, dự án đã phân phối hơn 53 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 53.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức trên 246.000 khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho 300.000 nông dân, giúp cho 21.000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.
Nestlé Việt Nam khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng nông dân thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tái sinh, để có những tác động tích cực nhằm tái tạo lại hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai.
Nestlé Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngày 8/12 vừa qua, Nestlé tại Việt Nam công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025. Cụ thể, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng đến năm 2025. Cam kết này song hành với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.
Công ty Nestlé Việt Nam được thành lập từ năm 1995 đã liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau.
Qua nhiều lần mở rộng và tăng vốn đầu tư, tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam của Nestlé là đạt 730 triệu USD. Công ty tuyển dụng 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy và được Bộ Tài chính vinh danh Top 30 đơn vị nộp thuế tiêu biểu.
Ngoài ra mỗi năm, công ty thu mua từ 20-25% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia khoảng 700 triệu USD/năm thông qua các hoạt động này. Với thành tích nói trên, Nestlé Việt Nam đã được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Nhà xuất khẩu uy tín năm 2020”.
Đối với các hoạt động thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đều được thiết kế và xây dựng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng thống nhất trong cả tập đoàn. Năm 2018, tất cả các nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không xả thải ra môi trường trong sản xuất” thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng nước thải, chất thải, góp phần thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Công ty tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu “Đến 2030 không tác động đến môi trường trong quá trình sản xuấtCùng ngày cũng đã diễn ra lễ công bố thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) và Nestlé Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững cũng như góp phần thực thi có hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu