Ngoại trừ ,Tổng cục Khí tượng Thủy văn là tổ chức có hệ thống chân rết khắp cả nước, xứng đáng quy mô của 1 Tổng cục, còn lại tất cả các bộ phận, tổ chức đang được gọi là các Tổng cục hoặc các Cục trực thuộc Bộ TNMT như đã nêu đều chỉ có khung bộ máy cơ quan ở cấp trên, phía dưới là thuộc chính quyền địa phương quản lý, bởi các công việc cụ thể theo luật định chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trong khi đó biên chế cho bộ khung ở các Tổng cục nêu trên lại quá nhiều, như một số chuyên gia nhận xét là “thừa thãi”, trong khi biên chế cho cơ quan ngành dọc chuyên môn đó ở địa phương lại rất thiếu thốn từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Từ đó, dẫn tới công chức, viên chức của các Tổng cục thì có nhiều người ít việc để làm, có nhiều thời gian rảnh rỗi để làm việc cá nhân khác hoặc nguy cơ là “nhàn cư vi bất thiện“, dễ mang tiếng xấu cho hệ thống chung.
Trở lại câu chuyện tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy của các Tổng cục trực thuộc Bộ TNMT mới đây cho thấy, việc tách 1 Tổng cục ra để thành lập nhiều Cục mới trực thuộc Bộ sẽ gây ra nhiều tổn thất, lãng phí ngân sách cho Nhà nước và Nhân dân.
Xin đơn cử, dẫn chứng quy định hiện hành về phụ cấp chức vụ theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 12/4/2004 của Chính phủ, cụ thể:
– Tổng cục trưởng thuộc Bộ có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,25. Mỗi Tổng cục lại có 3 Phó Tổng cục trưởng có phụ cấp chức vụ mỗi người là 1,05. Như vậy tương ứng số phụ cấp chức vụ chi hàng tháng cho 4 vị trí lãnh đạo 1 Tổng cục là 4,40 (1,25 + 3,15).
– Cục trưởng thuộc Bộ 1,10 (hạng II). Mỗi Cục này lại có 3 Phó Cục trưởng có phụ cấp chức vụ tương ứng mỗi người là 0,9. Như vậy tương ứng số phụ cấp chức vụ chi hàng tháng cho 4 vị trí lãnh đạo 1 Cục là 3,8. Số phụ cấp chức vụ này nhân với mức lương tối thiểu mà nhà nước công bố sẽ ra số tiền phải chi cho từng vị trí lãnh đạo này.
Như vậy, trường hợp của Bộ TNMT đề xuất thì khi 1 Tổng cục thuộc Bộ tách ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT sẽ phát sinh số phụ cấp chức vụ cho 16 vị trí lãnh đạo ở các Cục trực thuộc Bộ TNMT, tương đương với tổng số phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà nhà nước phải chi hàng tháng là 3,8 x 4 = 15,2.
So với lúc là 1 Tổng cục thuộc Bộ thì tổng phụ cấp chức vụ mà nhà nước phải chi hàng tháng là 4,40 thì việc cơ cấu sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo cách tách ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT nêu trên đã ngốn thêm số phụ cấp chức vụ mà nhà nước phải chi hàng tháng cho nhóm lãnh đạo mới này là 15,2 – 4,40 = 10,8.
Từ đó cho thấy, việc Bộ TNMT đề xuất tách 4 Tổng cục thuộc Bộ TNMT hiện nay (tổng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 17,6) thành 12 Cục mới trực thuộc Bộ TNMT (tổng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 182,4) sẽ làm gia tăng số phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà nhà nước phải chi hàng tháng cho nhóm lãnh đạo mới chênh lên so với số hệ số phải chi tiền cho nhóm lãnh đạo mới này là: 182,4 – 17,6 = 164,8.
Đó là chưa kể sẽ sinh ra hàng loạt các phòng, ban, bộ phận trực thuộc các Cục mới này. Và nó cũng phát sinh ra hàng loạt nhóm lãnh đạo mới phải có phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các phòng, ban, bộ phận mới đó. Chưa biết lợi ích đến đâu, nhưng riêng việc nhỏ này thôi cũng đã “ngốn” khoản ngân sách của Nhà nước và Nhân dân là rất lớn.
Rõ ràng đây sự yếu kém về công tác tham mưu, thiếu trách nhiệm, không bám sát vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.
Qua trao đổi với một số chuyên gia cho rằng, với quy định của pháp luật hiện hành, chức năng nhiệm vụ của các địa phương là rất lớn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, về đất đai, về khoáng sản… nhưng số biên chế để thực hiện công vụ lại rất ít, đặc biệt là ở cấp tỉnh và cấp huyện thì thiếu thốn công chức chuyên môn, còn cấp xã như lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hầu như không có công chức để chuyên trách theo dõi, tham mưu thường xuyên công tác này dẫn tới việc giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ môi trường không được kịp thời, cán bộ chủ trì tham mưu việc bảo vệ môi trường nông thôn mới ở cấp cơ sở cũng là con số 0 tròn trĩnh…
Trong khi ở các Tổng cục dù ngày càng ít việc cho số nhân lực bởi chức năng nhiệm vụ ngày càng phân cấp nhiều cho các địa phương hoặc ở các Tổng cục, Cục thì công việc chỉ tập trung vào một số người nhất định nhưng lại rất nhiều biên chế. Có Tổng cục gần ngàn người nhưng thực tế nhiều người không có việc ngay trong giờ hành chính, nên làm thêm việc khác bên ngoài để thu nhập cá nhân, hoặc đi chơi là chính, rảnh nhiều sẽ sinh ra mất đoàn kết, hoặc bỏ thời gian cho các việc khác với danh nghĩa công chức, viên chức, người của Tổng cục thuộc Bộ…
Vì thế, các Tổng cục nên chăng nên lựa chọn 1 số Tổng cục chuyển thành 1 Cục trực thuộc Bộ, còn 1 số Tổng cục chuyển thành Cục theo ngành dọc cho thống nhất và chuyển bớt biên chế hiện có về các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn đó ở cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác, tránh lãng phí tiền của và nhân lực của nhà nước. Đặc biệt là quản lý tập trung theo đa ngành, đa lĩnh vực, theo chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ tốt hơn trong quá trình phát triển đất nước, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Chúng ta tuyệt đối không nên tách 4 Tổng cục thuộc Bộ TNMT ra thành 12 Cục trực thuộc Bộ TNMT chỉ để tham mưu công tác quản lý nhà nước của một vài văn bản Luật chuyên ngành.
Trong đó có nhiều Cục cùng có tên rõ ràng, cùng có chức năng nhiệm vụ về quy hoạch trong cùng 1 Bộ này, chưa kể sau này khi làm việc ở địa phương hoặc ở các Bộ ngành khác mà có việc gì liên quan thì các địa phương và các Bộ ngành khác phải “mời hoặc phải xin ý kiến” tất cả các Cục liên quan thuộc Bộ TNMT.
Đây thực sự là cách tham mưu tổ chức bộ máy hoàn toàn chưa đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước như đã nêu tại Nghị quyết số 18 năm 2017 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, văn bản có liên quan, thể hiện đó là những tham mưu, đề xuất rất thiếu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục đề cập đến vấn đề này ở các bài tiếp theo./.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy hiện nay của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ:
Cơ quan thực hiện chức năng, tham mưu, quản lý Nhà nước gồm:
Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường
Văn phòng Đảng – Đoàn thể; Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Thanh tra Bộ; Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản; Văn phòng thường trực Ủy bản sông Mê Công
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Viện Khoa học Tài nguyên nước; Trường Đại học TN&MT Hà Nội; Trường Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh; Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT; Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
Theo Hải Thành Môi trường và Đô thị VN