Theo phản ánh của người dân sinh sống tại Khu tập thể B22 và người dân sinh sống tại ngách 97/4 phố Phạm Ngọc Thạch, dự án Tòa nhà hỗn hợp số 2 Phạm Ngọc Thạch (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) trong quá trình thi công đã gây ra tình trạng sụt lún, rạn nứt nhà dân, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và đe dọa tính mạng của người dân. Dự án do Tổng công ty Rau quả nông sản – Công ty cổ phần làm chủ đầu tư.
Chiều ngày 22/7, có mặt tại ngách 97/4 phố Phạm Ngọc Thạch, theo quan sát của phóng viên, Khu tập thể B22 được căng những tấm băng rôn, biểu ngữ với nội dung: “Đề nghị chủ đầu tư dừng thi công tòa nhà số 2 Phạm Ngọc Thạch”, “Cực lực phản đối tòa nhà số 2 Phạm Ngọc Thạch xây dựng gây mất an toàn, tính mạng dân cư B22”.
Trao đổi với phóng viên, anh N.Đ.T, một người dân sinh sống tại ngách 97/4 phố Phạm Ngọc Thạch bức xúc: “Dự án Tòa nhà hỗn hợp số 2 Phạm Ngọc Thạch trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Nhiều nhà tại Khu tập thể B22 và ngách 97/4 phố Phạm Ngọc Thạch đã bị sụt lún, xuất hiện rất nhiều vết nứt. Có thể nhìn thấy vết nứt ở khắp mọi nơi, từ trên trần nhà, trên tường đến dưới sàn nhà. Người dân sinh sống tại đây rất lo lắng, bất an, cảm thấy tính mạng bị đe dọa”.
Cũng theo lời của anh N.Đ.T, người dân đã gửi đơn phản ánh đến các cấp chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền về sự việc, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
“Trên sàn nhà xuất hiện những vết nứt chạy dài, con tôi đã bị vấp ngã chảy máu chân vì vấp phải những vết nứt đó, tôi phải gọi người đến trám lại những vết nứt đó để tránh gây nguy hiểm cho mọi thành viên trong gia đình”, anh N.Đ.T bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, ông N.Q.L, một người dân sinh sống tại ngách 97/4 phố Phạm Ngọc Thạch hoang mang: “Khi đơn vị tiến hành thi công dự án, cuộc sống của những người dân sinh sống tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi đã phải chịu nhiều khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường sống do bụi công trường. Nhiều ngôi nhà do bị sụt lún nên cửa ra vào bị cong vênh, không đóng được cửa ra vào”.
Theo lời của những người dân sinh sống tại đây, khoảng thời gian đơn vị thi công tiến hành đào móng thường xuyên xảy ra tình trạng rung lắc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND phường Kim Liên đã tổ chức cuộc họp giữa người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng với chủ đầu tư và các bên có liên quan nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, người dân nơi đây vẫn phải sống trong hoang mang, lo sợ do hiện trạng nhiều ngôi nhà tại đây bị sụt lún, nứt nhà.
Điều 119 quy định về sự cố công trình xây dựng, Luật Xây dựng 2014 ghi rõ: “Trong quá trình thi công xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng công trình nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm sau: Kịp thời yêu cầu dừng thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; Thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có liên quan; Bảo vệ hiện trường, trừ trường hợp phải khắc phục khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại. Khi phát hiện, được thông báo về sự cố công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau: Thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình. Công trình có sự cố chỉ được thi công xây dựng hoặc tiếp tục vận hành, khai thác sử dụng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết sự cố cho phép. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính; cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Được biết, vào ngày 4/7/2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 3971/QHKT-TMB-PAKT(KHTH) chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đối với dự án đầu tư xây dựng tòa nhà hỗn hợp số 2 Phạm Ngọc Thạch. Dự án này được xây dựng trên khu đất có diện tích 1.804 m2, diện tích xây dựng khoảng 1.353 m2, gồm một khối công trình cao 24 tầng nổi và 5 tầng hầm để xe.
Vào ngày 17/1/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 02/GPXD cho Tổng công ty Rau quả nông sản – Công ty cổ phần. Văn bản nêu rõ chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các chủ sở hữu liền kề.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, căn cứ theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND của TP. Hà Nội, mặt đường Phạm Ngọc Thạch là tuyến phố chính và không được xây dựng nhà cao tầng; đường Phạm Ngọc Thạch và nút giao với Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng luôn là điểm nghẽn giao thông trong giờ cao điểm.
Theo Tầm Nhìn