“Ken cây” hình thức biến đất rừng thành đất trống đồi trọc
“Ken cây” là một thuật ngữ trong ngành Kiểm Lâm, đó là hình thức đục cây, đeo vỏ cây, chích thuốc hoặc dầu nhớt… để cây chết một cách từ từ. Đây là một hình thức phá rừng rất tinh vi, biến đất có rừng thành đất trống đồi trọc. Buồn thay, ở xã Nậm Giải (Quế Phong, Nghệ An) đã diễn ra hiện tượng “ken cây” này, kiểu “bức tử” cây rừng bằng cách đẽo sạch vỏ ở gốc cây, làm cho cả mảnh rừng chết khô, chết đứng.
Từ những thông tin từ người dân cung cấp về việc trên địa bàn xã Nậm Giải huyện Quế Phong xuất hiện nhiều vạt rừng có hiện tượng nhiều cây chết khô một cách bất thường. Số cây chết xuất hiện nhiều bên cạnh con đường từ đầu bản Chà Lầu đến trung tâm xã Nậm Giải.
Từ những thông tin nhóm Pv chúng tôi đã có một cuộc khảo sát thực địa, nhận thấy thực tế còn tàn khốc hơn cả mô tả. Xuất hiện nhiều điểm có cây chết khô, xem lẫn là những cây lá đã ngả sang màu vàng trong cái nắng chói chang của mùa hè. Quan sát gần ở dưới gốc cây ấy đều bị dùng dao đẽo sách lớp vỏ, có những cây đã bị đẽo lâu cây đã chết đứng, có cây mới bị đẽo cách đây không lâu lá đã úa vàng.
Theo tìm hiểu được biết, lớp vỏ cây có tác dụng rất quan trọng đối với sự sinh trưởng của cây. Bởi vậy cây sợ nhất là bị bóc mất lớp vỏ, khi bóc vỏ đã làm ngắt quãng đường ống dẫn chất hữu cơ xuống dưới bộ rễ, được tổng hợp từ quá trình quang hợp. Bộ rễ do không được cung cấp đủ chất hữu cơ sẽ rơi vào tình trạng “đói khát” cuối cùng là chết khô.
Sự việc phá rừng bằng hình thức phá rừng bằng cách “ken cây” đã và đang diễn ra tại huyện miền núi Quế Phong. Các cánh rừng bị phá chủ yếu rừng đã được giao cho các hộ dân, dưới hình thức khoanh nuôi và bảo vệ và hầu hết các hộ dân hàng năm đều có được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và các khoản khác. Các khoảnh rừng sau khi bị Ken sẽ dẫn tới cây trên đó chết dần chết mòn, biến từ những mảnh rừng xanh tốt có chức năng giữ nước và chống lũ thành khoảnh đất trống đồi trọc. Đích đến cuối cùng là đường đường chính chính làm hồ sơ chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất. Một hình thức làm nghèo rừng rất tinh vi.
Điều đáng buồn là các mảnh rừng bị “Ken” đều nằm sát con đường đi vào trung tâm xã Nậm Giải, không phải nó nằm tít ở đâu trong cánh rừng già. Bởi vậy lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, rồi công an chính quy đã về xã không thể chối bỏ trách nhiệm trong sự việc này được.
Mang vấn đề này trao đổi điện thoại vào sáng ngày 4/6 với ông Lê Hải Lý, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong được biết “Sẽ cho anh em kiểm tra, đến chiều cùng ngày được thông báo lại đã cho lập văn bản. Tổng số cây bị phá lên tới 27 cây, sẽ xử phạt theo quy định 100 ngàn/ cây”
Đến ngày 7/6 bên phía Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã cung cấp biên bản xử phạt trong đó nêu rõ “Căn cứ biên bản kiểm tra ngày 04/06/2021 của tổ công tác Hạt kiểm lâm Quế Phong về việc bóc vỏ cây gỗ rừng tự nhiên của ông Lữ Văn Nhân trú tại bản Chà Lầu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An), số cây bị bóc vỏ là 27 cây, là cây gỗ rừng tự nhiên thuộc lô 3, khoảnh 10, tiểu khu 109. Việc bóc vỏ cây của ông Nhân được thực hiện khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Vậy ông đã vi phạm hành vi phá hoại rừng trái pháp luật được quy định tại khoản 11, điều 20, Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ”.
“Lập biên bản xong đang thông báo trên văn phòng điện tử để thông tin đối tượng này đã vi phạm ở đâu chưa. Sau 3 lần thông báo nếu các đơn vị khác không có phản hồi thì Hạt sẽ ra Quyết định xử phạt” ông Lý thông tin thêm.
Qua đây có thể Hạt Kiểm lâm Quế phong đã rất nhanh vào cuộc để kiểm tra, lập biên bản… sau khi được thông báo. Tuy nhiên, sự việc 27 cây bị cạo sạch vỏ trong đó có nhiều cây đã chết khô, dường như động thái này làm theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trao đổi với ông Dương Hoàng Vũ, chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay “Sau khi nhận được tin báo, đã thông báo cho các lực lượng liên quan đi kiểm tra tổng thể. Trên tinh thần kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời thực hiện việc tuyên truyền cho bà con nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật và biết được tác hại của việc phá rừng”
Sự việc các cây chết khô do bị đẽo sạch vở ở xã Nậm Giải, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương không thể chối bỏ được trách nhiệm. Dù sao rừng là để bảo vệ, các lực lượng ấy là để bảo vệ và ngăn chặn những hành vi xâm hại tới rừng. Còn việc xử phạt khi mọi việc đã diễn ra, âu cũng là bất đắc gì, biện pháp cuối cùng rồi mang tính chất giải quyết hậu quả.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu.