Sữa dạng lỏng đóng hộp là thực phẩm tiện lợi

Tác giả : Admin 30/05/2021

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sữa trong nước tuân thủ quy chuẩn đóng gói của quốc tế và không hề thua kém các nước tiên tiến khác. Tuy nhiên, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đều phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm thì sữa mới thực sự là sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Trên mạng xã hội gần đây, xuất hiện nhiều thông tin phản ánh của khách hàng về vấn đề liên quan đến các hộp sữa tươi được đóng trong hộp giấy bị hỏng hoặc có dị vật bên trong. Phải chăng quy trình và công nghệ sản xuất sữa của các doanh nghiệp có vấn đề?

1622252512z2519503708120 334ade559ab86b4bfadb9dd045428099
PGS.TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Quang Trung để làm rõ hơn các thông tin mà người tiêu dùng quan tâm!

Phóng viên:  Thưa ông, Sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa dạng lỏng, đang trở thành thực phẩm thiết yếu trong đời sống. Người tiêu dùng rất quan tâm đến yếu tố an toàn và chất lượng của mặt hàng này. Tuy nhiên, gần đây có nhiều phản ánh không được tốt về các loại sữa đóng hộp, như chưa hết hạn sữa đã hỏng hoặc trong sữa có dị vật. Phải chăng quy trình sản xuất hay công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất sữa đang gặp vấn đề?

PGS. TS Trần Quang Trung: Phải khẳng định với bạn rằng quy trình chế biến và đóng gói sữa dạng lỏng áp dụng ở Việt Nam hay thế giới là giống nhau về bản chất. Về công nghệ, thậm chí ở Việt Nam còn có phần hiện đại hơn một số quốc gia tiên tiến do thị trường sữa của chúng ta đang bùng nổ. Các nhà sản xuất liên tục đầu tư thiết bị, nâng cấp, sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như của Tetra Pak (Thụy Điển) để đáp ứng nhu cầu thị trường.

1622252652z2519503478584 8ff07ada79513ce629d6355784205ca9
Quy trình sản xuất sữa tiệt trùng.

Đầu tiên, sữa nguyên liệu được đưa đến nhà máy bằng xe bồn lạnh 4 độ C, và được kiểm tra xem có đạt chuẩn hay không mới được đưa vào sản xuất. Sau đó là bước được thanh trùng ở 75 độ C trong 15 giây rồi được làm lạnh rất nhanh xuống 40 C. Tiếp đến, nhà sản xuất sẽ tiệt trùng sữa ở 140 độ C trong khoảng 4 giây và làm lạnh nhanh xuống 25 độ C. Đến đây, không còn vi sinh vật gây bệnh cho người hay gây hư hỏng cho sữa. Sữa sẽ được đưa vào thiết bị chiết rót để đóng vào trong những hộp giấy tiệt trùng.

Quy trình sản xuất sữa được thực hiện rất bài bản, tự động, khép kín theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt quốc tế. Từ đó sữa sẽ không có vi sinh vật gây hại cho sức khỏe, gây hỏng sản phẩm, có thời gian sử dụng dài mà không cần chất bảo quản và có thể vận chuyển tới những nơi xa xôi mà không cần giữ lạnh.

Phóng viên: Ông có thể lý giải tại sao một số hình ảnh sữa được lan truyền trên mạng dù chưa hết hạn sử dụng nhưng đã bị hỏng hoặc có dị vật bên trong? Nguyên nhân do đâu?

PGS. TS Trần Quang Trung: Như tôi vừa chia sẻ, quy trình chế biến và đóng gói sữa dạng lỏng là rất nghiêm ngặt. Tất cả các nhà sản xuất đều lưu giữ lô hàng thành phẩm tại nhà máy để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu cảm quan, hóa lý và vi sinh. Những sản phẩm này chỉ được xuất bán khi đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như đã công bố với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, còn trải qua các quá trình vận chuyển, bốc xếp, phân phối tại đại lý, bảo quản tại kho bãi, cửa hàng… Nếu người bốc xếp không làm đúng hướng dẫn, mà quăng quật các thùng sữa thì những tác động mạnh như vậy có thể làm một số hộp sữa bị móp méo. Mặc dù, các mối hàn của hộp sữa rất chắc chắn nhưng nếu móp méo quá nhiều hoặc quăng quật quá mạnh thì có thể gây hở mối hàn hoặc vỡ gây rò rỉ sữa ra ngoài.

Đối với trường hợp hộp sữa bị hở mối hàn, dù chỉ bằng đầu kim thôi, thì không khí, hay vi sinh vật sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong làm cho sữa hỏng rất nhanh. Thậm chí đủ để côn trùng xâm nhập và gây ra dị vật trong sữa. Chúng ta đừng quên sữa là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng, nên vi sinh vật sẽ phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Một giả thiết khác về điều kiện giao thông ở Việt Nam, có những nơi đường xá có nhiều ổ gà, gồ ghề, vận chuyển khó khăn. Quá trình vận chuyển đó thể làm các thùng sữa ở trên cao rơi xuống sàn xe, gây rách, trầy, móp méo hộp sữa bên trong…

Thêm nữa, một vấn đề cũng rất quan trọng đó điều kiện kho bãi bảo quản ở đại lý, hay cửa hàng, nếu không đúng quy định, cũng có thể làm cho các thùng sữa, hộp sữa bị hỏng. Theo tôi được biết, các nhà sản xuất đều có những hướng dẫn/quy định nghiêm ngặt cho việc vận chuyển, bốc xếp và bảo quản an toàn sữa dạng lỏng.

Các bạn cũng nên biết thêm về sức tiêu thụ sữa ở Việt Nam đạt khoảng 7 – 8 tỷ hộp sữa/năm. Đây là một con số cực kỳ lớn cho thấy hầu hết sữa nước mà chúng ta uống hàng ngày là an toàn.

Phóng viên: Vậy, việc của người tiêu dùng là nên lựa chọn và sử dụng thương hiệu sữa nước an toàn, nhưng trước những phản ánh đó, theo tôi người tiêu dùng đã lo lắng là đúng và có cơ sở. Theo ông, cần làm thế nào để giảm thiểu rủi ro này?

PGS. TS Trần Quang Trung: Không tránh khỏi một số lượng nhỏ hộp sữa ngoài thị trường gặp vấn đề vì các nguyên nhân nói trên. Tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro với những biện pháp phòng ngừa sau:

Đối với nhà sản xuất, đại lý phân phối, cửa hàng:

Nhà sản xuất cần thường xuyên hướng dẫn các nhà cung cấp, đại lý lưu ý trong vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cao nhất.

Đối với các nhà phân phối, đại lý và cửa hàng, cần phải tuân thủ đúng các điều kiện bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm mà nhà sản xuất đã khuyến nghị.

Người tiêu dùng nên lưu ý:

Chọn sản phẩm từ các nhãn hàng có uy tín, còn hạn sử dụng, có đầy đủ các thông tin cần thiết trên bao bì, và sản phẩm không có mùi bất thường.

Có thói quen kiểm tra nhãn hiệu hộp giấy uy tín đã được tin dùng từ lâu tại Việt Nam như Tetra Pak vì chất lượng hộp giấy cũng là một yếu tố đảm bảo an toàn sản phẩm sữa bên trong.

Tránh sử dụng các vật sắc nhọn để rọc, cắt màng nhựa bọc các vỉ sữa. Vì có nhiều trường hợp đã làm tổn hại đến vỏ hộp bảo vệ sản phẩm.

Luôn bảo quản hộp sữa chưa được sử dụng hết trong tủ lạnh.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thiết thực này!

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu.

Tin liên quan