Trật tự đô thị hỗn loạn, vì quản lý yếu kém hay ‘cao lễ dễ thưa’?
Vi phạm trật tự đô thị có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng nếu nó xuất phát từ năng lực quản lý hoặc bản lĩnh yếu kém ở người có trách nhiệm sẽ thành mối “ung nhọt” hiểm nghèo.
Trong bài viết “Dự án hết ‘treo’ lại chậm” đăng tải ngày 18/3, chúng tôi đã đề cập đến tình trạng không gian đô thị bị phá hoại một cách nghiêm trọng, cần có phương án xử lý kịp thời. Vi phạm trật tự đô thị có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng nếu nó xuất phát từ năng lực quản lý hoặc bản lĩnh yếu kém từ những người có trách nhiệm sẽ như căn bệnh da liễu hiểm nghèo, chỉ lây lan mà không thể nào chế ngự.
Ở bài viết nêu trên, bên cạnh vấn đề trật tự đô thị bất cập đang hiện hữu, một điểm cần lưu ý mà PV đã nhắc đến là liệu có sự dung túng từ các cán bộ có trách nhiệm quản lý hành chính địa phương hay không?
Để bạn đọc có thêm góc nhìn và tự có cho mình câu trả lời, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin dẫn giải phương thức giải đáp dư luận “tréo ngoe”, nằm ngoài hệ thống quy phạm pháp luật đối với việc cung cấp thông tin, cũng không thuộc quy định về trách nhiệm trả lời báo chí của người đứng đầu cơ quan Nhà nước.
Liên quan đến tình trạng dự án treo của công ty Thái Bình biến tướng thành bãi tập kết xe, PV gửi Giấy giới thiệu, nội dung làm việc tại văn phòng UBND phường Mai Dịch. Đồng thời nhiều lần liên hệ với ông Phạm Văn Lợi – Chủ tịch UBND phường Mai Dịch vì không nhận được sự phản hồi từ bộ phận văn phòng ủy ban phường, tuy nhiên ông Lợi luôn tỏ ra né tránh.
Không lâu sau đó, một người tự nhận là đang “khai thác tạm” ở bãi xuất hiện và chỉ cung cấp thông tin sơ sài về dự án. Các thông tin khác như bãi xe hình thành ra sao, giấy phép hoạt động như thế nào.. đều không được đưa ra.
Về phía UBND quận Cầu Giấy, một đồng nghiệp của chúng tôi sau nhiều ngày đặt lịch làm việc nhưng cũng không nhận được sự phản hồi. Đến ngày 11/3, khi liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hải – Phó Chánh văn phòng UBND quận Cầu Giấy qua điện thoại, thì ông Hải cho biết: “Đã báo cáo sếp về vấn đề này rồi, sếp bảo cứ thực hiện theo quy định. Việc thực hiện hay không là do phía chủ đầu tư, chính quyền không bắt họ thực hiện được. Nếu nhà báo cảm thấy dự án đó có sai phạm sử dụng sai mục đích thì cứ đăng tin thoải mái, quận không có ý kiến gì cả, em đăng thoải mái. Bọn anh cũng mong muốn bọn em đăng…”.
Ngày 16/3, trao đổi qua điện thoại với bà Phan Thị Thu Hà – Chánh văn phòng UBND quận Cầu Giấy quả quyết: “Chút sẽ có chủ tịch phường Mai Dịch điện thoại cho em…”.
Đáng buồn, lời nói của Chánh văn phòng quận không thành sự thật, vào 18h cùng ngày, đồng nghiệp của chúng tôi lại nhận được 1 cuộc điện thoại từ số 0906 xxx xxx, không phải ông Phạm Văn Lợi mà từ người tự xưng là H. và nói rằng:
“Là người ở Công ty Hải Vân, có gửi 1 ít xe ở bãi đất dự án của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình. Thấy em đang quan tâm tới chỗ đó nên muốn gặp. Em hỏi chỗ anh Lợi chủ tịch phường (ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch phường Mai Dịch – PV), hay em hỏi anh Hà trên quận (ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy – PV). Anh Hà chuyển thông tin xuống địa bàn, anh ở địa bàn thì anh nhận được thông tin đó, anh muốn gặp em để gửi em hồ sơ, anh đang gửi tạm ở bên đó. Vừa rồi anh bị giải phóng mặt bằng bên Nam Trung Yên để xây dựng dự án, trong lúc đang đi tìm bãi để tập kết xe cơ quan nên mang về để ở đây…”.
Cuối cùng, mất hàng tháng trời liên hệ, đề nghị, nhóm PV không gặp được một vị cán bộ nào! Điều gì đang diễn ra ở Cầu Giấy?
Tại sao khi PV đặt lịch làm việc với UBND phường, quận nhưng không được một cán bộ có trách nhiệm nào phản hồi lại? Do những người có trách nhiệm yếu kém đến nỗi không thể nắm được bất cập diễn ra trên địa bàn, phải “đùn đẩy” cho người khác hay đang dung túng? Liệu đây có phải là quy trình làm việc của UBND quận Cầu Giấy khi cơ quan báo chí đề nghị hỗ trợ làm rõ về những sai phạm trên địa bàn?
Trong một bài bàn về tám phép chọn người, gợi mở cho công tác lựa chọn cán bộ hiện nay, Nhà báo Nhị Lê – nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản viết:
“Người ta thường nói: “Ở đời, cần phải biết điều”, “Tốt lễ dễ thưa”, “Việc quan không thể nói bằng nước dãi”, “Ông có chân giò, bà thò nậm rượu”, “Đi nặng về nặng, đi nhẹ về nhẹ, đi không thì… về không”.
Xưa nay, mấy ai đủ dũng khí ngoảnh mặt với “lễ nghĩa” kiểu ấy nên không ít đã “Há miệng mắc quai”, thậm chí “Một miệng mười quai”, nên vô hình làm tôi tớ cho bọn người dùng “lễ nghĩa” để đổi chác lợi ích. Chọn người kiểu như thế thì người đảm lược, tài hoa, có nhân, nghĩa, liêm sỉ lánh xa. Không cần nói, đội ngũ chỉ toàn những kẻ bán mua, đổi chác, chính sự đã tự nó nát bét rồi.“
Vậy từ cái thái độ thờ ơ, né tránh, đẩy người vi phạm tìm cách lấp liếm (bằng sự cảm thông nào đó) xuất phát tự đâu? Liệu có xuất phát từ nguồn lợi ích mà vi phạm mang lại, bộ mặt đô thị ở Mai Dịch đang dần trở thành rối ren lại do “há miệng mắc quai” bởi những món lễ nghĩa kim tài?
Xin được dành quyền trả lời câu hỏi này cho ông Bùi Tuấn Anh – Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy. Và nếu ngay cả ông chủ tịch quận cũng không trả lời được, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm lời giải đáp từ UBND và Thành ủy thành phố Hà Nội.
Dự án xây dựng trung tâm bán, giới thiệu và bảo hành xe ô tô Honda và các loại xe ô tô khác (Trung tâm Honda) tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy – TP. Hà Nội) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Năm 2008, 5.291m2 đất được thu hồi và giao cho Chủ đầu tư Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Thái Bình (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình) thực hiện dự án.
Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình có đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư thành dự án Tòa nhà văn phòng và khách sạn với tổng diện tích vẫn giữ nguyên 5.291m2. Khởi công vào Quý IV/2017 – Hoàn thành vào Quý IV/2019 (24 tháng) nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai và đang có dấu hiệu bị sử dụng sai mục đích. |
Theo Môi trường và Đô thị VN