Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C: Nhóm công trình cao tầng tập trung tại các trục phố lớn
Tại Quyết định 1357/QĐ-UBND (ngày 19-3-2021), UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C tỷ lệ 1/2000, thuộc địa giới hành chính 11 phường (Hàng Mã, Cửa Đông, Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Hàng Bài, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ) của quận Hoàn Kiếm.
Đây là khu đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc được xây dựng chủ yếu vào thời kỳ Pháp thuộc. Đáng chú ý, bên cạnh bảo tồn cấu trúc không gian “thành phố vườn” thời Pháp thuộc, đồ án cho phép bố trí nhóm các công trình cao tầng tập trung trên các trục phố lớn như: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…
Quy hoạch tại 11 phường của quận Hoàn Kiếm
Về ranh giới, khu vực nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C: Phía Bắc giáp ranh giới phía Nam khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phía Tây giáp phố Lê Duẩn, ga Hà Nội (trùng ranh giới hành chính quận Hoàn Kiếm và quận Đống Đa); phía Nam là khu dân cư phường Trần Hưng Đạo, các phố Nguyễn Du, Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo (trùng ranh giới hành chính giữa quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); phía Đông giáp đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C có tổng diện tích khoảng 202,8ha; quy mô dân số khoảng 48.800 người, được phân chia thành 2 khu vực. Trong đó, khu vực ga Hà Nội và phụ cận (tổng diện tích khoảng 19,78ha, quy mô dân số khoảng 5.200 người) được thực hiện theo dự án riêng. Phần còn lại của phân khu đô thị H1-1C (tổng diện tích 183,02ha, quy mô dân số khoảng 43.600 người) được chia thành 6 ô quy hoạch và đường giao thông.
Bổ sung chỉ tiêu cây xanh từ bãi sông Hồng
Về quy hoạch sử dụng đất: Đất công cộng thành phố, quận khoảng 38,68ha, chiếm 21,13% diện tích đất nghiên cứu, đạt chỉ tiêu 8,87m2/người. Trong đó, công trình y tế, văn hóa, bệnh viện, trạm y tế, cung văn hóa, rạp chiếu phim.. chủ yếu trên cơ sở hiện có. Đất giao thông khoảng 45,42ha (chiếm 24,82%).
Đất cây xanh, thể dục thể thao, mặt nước khoảng 0,93ha (chiếm 0,51%, đạt chỉ tiêu 0,21m2/người) được hình thành trên cơ sở các quảng trường, cây xanh mặt nước hiện có, gồm các vườn hoa: Hàng Trống, Quán Sứ, Tao Đàn, Bác Cổ, Trần Nguyên Hãn; các sân thể dục thể thao và hệ thống cây xanh kết nối với cây xanh mặt nước hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng, Công viên Thống Nhất.
Do thiếu diện tích đất cây xanh nên đồ án xác định chỉ tiêu đất cây xanh cần được cân đối trên phạm vi cơ cấu quy hoạch; khai thác không gian công viên cây xanh vườn hoa, thể dục thể thao ngoài bãi sông Hồng (khu vực theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được xác định để phát triển công viên, cây xanh, thể dục thể thao chung của thành phố) để bổ sung nhu cầu cây xanh, thể dục thể thao trong khu vực.
Đất trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non được xác lập trên cơ sở quỹ đất hiện có và bổ sung từ quỹ đất thuộc danh mục các vị trí di dời, chuyển đổi chức năng. Do điều kiện hiện trạng đặc thù, quỹ đất phát triển hạn chế, vì vậy, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao công trình) có thể xem xét được tăng cao hơn so với tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành nếu có giải pháp bảo đảm yêu cầu an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phù hợp Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Các tầng tăng thêm được sử dụng cho mục đích quản lý hành chính và các công năng phù hợp khác; khuyến khích khai thác không gian ngầm và tầng 1 để xây dựng sân chơi, vườn hoa…
Đất nhóm nhà ở khoảng 55,04ha (chiếm 30,07%), đạt chỉ tiêu 12,62m2/người. Đất nhóm nhà ở trong khu vực này được xác định chủ yếu trên cơ sở hiện có, được cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng lại, bổ sung đủ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan theo hướng mật độ xây dựng giảm, thấp tầng, đi đôi với bảo tồn, khai thác các kiến trúc cổ hoặc kiến trúc Pháp thuộc, gìn giữ giá trị văn hóa đặc trưng.
Đối với chung cư, khu tập thể cũ, việc cải tạo, xây dựng lại sẽ được thực hiện theo dự án riêng trên nguyên tắc tự cân đối dân số. Việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ, chung cư cũ trong khu vực theo hướng: Khuyến khích di dân trong các nhà tập thể, chung cư cũ tới các chung cư cao tầng khác thuộc quận Hoàn Kiếm hoặc địa bàn thành phố Hà Nội; chuyển đổi chức năng sử dụng đất sang loại hình thương mại, dịch vụ hoặc căn hộ cho thuê; giảm mật độ xây dựng và phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc của khu vực.
Bảo tồn cấu trúc “thành phố vườn”
Về tổ chức không gian – kiến trúc cảnh quan: Cấu trúc không gian đô thị được bảo tồn theo cấu trúc “thành phố vườn” thời Pháp thuộc với mạng đường dạng ô bàn cờ, mỗi cạnh khoảng 150m với các trục chính phụ: Bắc – Nam, Đông – Tây. Các trục này trực giao tạo nên những quảng trường giao thông hoặc vườn hoa nhỏ. Trên cơ sở mạng không gian đó, nhóm các công trình cao tầng, thường là trụ sở văn phòng, công trình công cộng có quy mô đất lớn, tập trung trên các trục phố lớn như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… Phần không gian còn lại là các biệt thự xen kẽ với nhóm các công trình trung và thấp tầng quy mô đất nhỏ hơn, mật độ xây dựng cao tạo nên cấu trúc nhà liền kề. Trong đó, 5 tuyến đường có giá trị không gian cảnh quan, với nhiều công trình có giá trị, cấu trúc đặc trưng kiểu “thành phố vườn”, gồm: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh; 2 tuyến có giá trị đặc trưng nhà phố là: Bà Triệu, Hàng Bài.
Yêu cầu về tổ chức và bảo vệ cảnh quan: Đối với trục cảnh quan quan trọng cần bảo vệ tầm nhìn trên các trục phố; bảo tồn và phát huy các công trình có giá trị, cải tạo không gian để tái cấu trúc không gian “thành phố vườn” đặc trưng. Riêng đối với các tuyến phố mang đặc trưng nhà phố, cải tạo không gian để tạo tuyến phố thương mại điển hình. Đối với các ô quy hoạch, bổ sung hạ tầng xã hội theo quy hoạch, kiểm soát mật độ xây dựng theo hướng giảm dần xuống dưới 75% và quản lý theo quy chế riêng nhằm hạn chế nguy cơ biến dạng khu phố…
Theo Hà Nội Mới