Mô hình Đội QLTTXD có vai trò và nhiệm vụ lập lại trật tự kỷ cương hành chính trong xây dựng ở đô thị, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực QLTTXD.
Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở quận Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội
Trên cơ sở Quyết định số 3406/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, ngày 02/8/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2318/QĐ- UBND về việc thí điểm thành lập Đội QLTTXD đô thị trực thuộc UBND quận dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp và toàn diện của UBND quận, thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ QLTTXD, trật tự đô thị trên địa bàn. Đội QLTTXD đô thị gồm 20 tổ, gồm: Tổ Hành chính tổng hợp, Tổ Kiểm tra cơ động và 18 tổ QLTTXD đô thị tại 18 phường. Đội có 54 người, trong đó: 52 công chức và 2 hợp đồng lao động. Lãnh đạo Đội gồm 3 người, gồm Đội trưởng và 2 Đội phó.
Tính từ ngày 10/8/2018 đến nay, Quận ủy Hoàn Kiếm đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo; Hội đồng nhân dân quận ban hành 01 kết luận giám sát về trật tự xây dựng (TTXD) và 01 Nghị quyết về tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác QLTTXD trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; UBND quận ban hành 15 văn bản chỉ đạo công tác QLTTXD trên địa bàn đối với 18 phường. Đội QLTTXD đô thị quận và các đơn vị liên quan tăng cường công tác QLTTXD, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ ban đầu. Ngoài ra, Quận ủy, UBND quận đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban chuyên đề về công tác QLTTXD để chỉ đạo UBND các phường, Đội QLTTXD đô thị và các phòng, ban thuộc quận tập trung xử lý các vi phạm TTXD trên địa bàn quận.
UBND quận cũng đã ban hành “Quy chế phối hợp QLTTXD đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” và “Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác QLTTXD đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đội QLTTXD đô thị quận và Phòng Quản lý đô thị quận đã phối hợp với UBND các phường phổ biến, quán triệt 2 quy chế trên đến cán bộ cơ sở, khu dân cư, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng trên địa bàn phường với số đại biểu tham dự là 1.562 người.
Kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị
Tính từ ngày 10/8/2018 đến ngày 30/6/2020, tổng số công trình xây dựng trên địa bàn quận là 235 công trình, trong đó 233 công trình có giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng 51.213,37m², 02 công trình không phép. Số vụ việc vi phạm: 06 vụ, trong đó xây dựng sai phép: 04 vụ (đã xử lý xong); xây dựng không phép: 02 vụ (đã xử lý xong).
Công tác kiểm tra xử phạt vệ sinh môi trường: 37 trường hợp với số tiền phạt là 50 triệu đồng. Xử phạt xây dựng sai phép, xây dựng không phép và vi phạm an toàn lao động: 11 vụ với số tiền phạt là 115 triệu đồng. Đội QLTTXD đô thị quận đã đôn đốc UBND các phường thu nộp thuế xây dựng với số tiền trên 2,2 tỷ đồng.
Các vi phạm TTXD được chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy định. Qua đó khẳng định được vai trò của Đội QLTTXD đô thị quận trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trong lĩnh vực QLTTXD. Đáng chú ý, qua áp dụng các biện pháp phối hợp kiểm tra, nhiều trường hợp xây dựng vi phạm đã được cán bộ phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời. Lực lượng QLTTXD đã xử lý được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, làm giảm đáng kể số trường hợp xây dựng vi phạm không phép, sai phép của các công trình xây dựng thi công tràn lan như những năm trước đây. Số công trình được kiểm tra, rà soát tăng, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ công trình có phép ngày càng tăng cao.
Một số tồn tại, hạn chế
Nằm ở vị trí Trung tâm Hoàn Kiếm có khu phố cổ thuộc các phường Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Ngang… Các công trình chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao. Ngoài ra còn có nhiều công trình nhà cổ, biệt thự, kiến trúc cổ khoảng hơn 100 năm. Cụ thể ngõ 44 Hàng Bè, biệt thự cổ số 6 Đinh Liệt, biệt thự số 8 nằm trên con phố Chân Cầm xuống cấp cần được cải tạo, cộng với giá nhà khu vực Hoàn Kiếm tăng cao, khách du lịch nước ngoài tập trung nhiều … do đó nhu cầu cải tạo xây dựng mở rộng. Đó là một trong những khó khăn mà Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm thường xuyên gặp phải so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm bị hạn chế bởi các quy định về bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận.
Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của một số người dân chưa cao, một số chủ công trình tìm mọi cách cố tình vi phạm TTXD. Các công trình vi phạm TTXD đa số là nhà xây xen kẽ trong phố cũ hoặc phố cổ và thường xây dựng kiên cố, bên cạnh là các công trình liền kề đều là nhà cũ xuống cấp, nên khi triển khai cưỡng chế phá dỡ dễ gây ảnh hưởng đến các công trình liền kề, chủ công trình lợi dụng việc đó để đối phó bằng việc khởi kiện hành chính tại Tòa án để tạm dừng việc cưỡng chế.
Công tác kiểm tra, ngăn chặn còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt để xảy ra vi phạm. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác QLTTXD tại một số phường còn yếu, dựa nhiều vào kinh nghiệm, không cập nhật, nghiên cứu văn bản mới trong lĩnh vực QLTTXD.
Mô hình Đội quản lý TTXD cấp quận, huyện không phải là mới, nhưng đã phát huy được tối đa hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế về quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng tại địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Theo Tầm Nhìn