Kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán…
Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của ngân hàng, cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động đã giúp cộng đồng doanh nghiệp kiên cường vượt lên khó khăn, thử thách để “chống chọi” với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Trong đó có thể kể đến như: gói chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng; các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho các doanh nghiệp lên đến gần 5.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng có giá trị khoảng 36,6 nghìn tỷ đồng…
Song vẫn còn rất nhiều chính sách chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện quá chặt. Theo một khảo sát tính đến đầu tháng 10/2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp nên không “mặn mà”.
Đại diện VCCI cho biết trên thực tế, việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách được xây dựng khó thực hiện thì không có tác động tốt đến doanh nghiệp. Ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Có thể thấy, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm ra tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách.
Từ đó, giúp cải thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” bên ngoài.
Theo Tầm Nhìn