Đưa khoa học, công nghệ đến với doanh nghiệp: Thúc đẩy kết nối cung – cầu
Thời gian qua, mức độ đóng góp của các viện nghiên cứu, trường đại học trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ cho thị trường vẫn ở mức tương đối thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà trường, mà còn ảnh hưởng đến năng lực đổi mới, sáng tạo của quốc gia. Chính vì vậy, các bên liên quan cần phải thúc đẩy liên kết, kết nối cung – cầu và chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp lên tầm mức mới.
Vẫn còn khoảng cách
Thời gian qua, việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường có tỷ lệ thành công chưa cao. Về thực tế này, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Học viện chỉ chuyển giao được một số kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ. Do không có cơ chế minh bạch, nên các nhà nghiên cứu cũng không thu được nhiều kinh phí để tái đầu tư cho khoa học. Vì thế, đề tài cứ làm, sau đó mạnh ai người đó chuyển giao, giá trị mang lại cho cá nhân, tập thể không nhiều”.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ hay tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật lại không biết tìm công nghệ ở đâu. Giải pháp của phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm lực là nhập khẩu công nghệ. Theo kết quả khảo sát đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp của First-Nasati (Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2013-2019), chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện nghiên cứu, trường đại học trong nước khi cần đổi mới công nghệ.
Lý giải thực trạng đang đặt ra, TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học – công nghệ Việt Nam) cho rằng, các nhà khoa học thường chỉ giỏi nghiên cứu, trong khi đó năng lực thiết kế sản phẩm, marketing để đưa sản phẩm ra thị trường còn yếu.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm, giữa các bên vẫn tồn tại khoảng cách. Đặc biệt, các doanh nghiệp chưa tin tưởng sản phẩm nghiên cứu của các viện nghiên cứu, nhà trường là giải pháp phát triển khả thi. Chưa kể, kết quả khảo sát 13 viện nghiên cứu quốc gia, 6 trường đại học lớn cho thấy, hầu hết các viện, trường đều không có cơ chế quản trị tài sản trí tuệ sau nghiên cứu, tức là nghiên cứu xong nhà khoa học xếp đấy, đi xin kinh phí để làm hạng mục khác. Hơn nữa, các công nghệ của Việt Nam chủ yếu vẫn dừng lại ở khâu sản xuất thử nghiệm, chưa thực sự hoàn thiện để chuyển giao trên thị trường…
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết
Nhìn ra những hạn chế trong mối quan hệ này, một số trường đại học, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Xây dựng… đã thành lập công ty giúp tăng tốc quá trình chuyển giao công nghệ.
BK-Holdings (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) là mô hình doanh nghiệp thuộc trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động, BK-Holdings đã xây dựng được 10 công ty thành viên hoạt động trong 3 lĩnh vực: Giáo dục, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhà trường luôn khuyến khích các giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu. Trường cũng đã ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – BK Fund, với sứ mệnh là bệ đỡ cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời tạo cầu nối giữa các sản phẩm khoa học, công nghệ trong trường đại học với doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo của nhà trường.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, Rạng Đông đã tham gia BK Fund với tư cách cổ đông sáng lập. Mới đây, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ.
Hai bên cũng đã thành lập nhóm nghiên cứu chung theo mô hình doanh nghiệp liên kết với trường đại học. Các giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tư vấn và hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ phù hợp với Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông. Đặc biệt, hai bên đặt mục tiêu cùng tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu chung.
Rõ ràng, khi các bên chủ động hợp tác, việc liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thông tin thêm, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 cho giai đoạn tiếp theo, trọng tâm là phát triển các tổ chức trung gian (sàn giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ). Như thế, cầu nối hỗ trợ hoàn thiện và chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, nhà trường với doanh nghiệp sẽ bền chắc hơn, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp; đẩy mạnh kết nối cung – cầu về khoa học, công nghệ, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Hà Nội Mới