Lúc rãnh rỗi ông thường cùng bằng hữu tụ tập xướng họa thi ca bên tách trà, chung rượu làm vui. Gia cảnh ông thanh bạch, túng thiếu vì vợ yếu con đông (5 con). Thu nhập của gia đình chỉ trông vào gánh hàng rong tảo tần của người vợ hiền. Mặc dù vậy, Tú Xương rất hiếu khách, luôn luôn chân tình, hết lòng với bằng hữu. Một hôm có hai bạn thơ lặn lội từ xa đến chơi. Tú Xương mừng lắm, phấn khởi chào đón và giục bà Tú làm cơm đãi khách quý.
Bà vợ rỉ tai: – Nhà còn gạo, rau dưa và có chai rượu tăm ngâm chuối hột, chỉ ngặt nỗi đồ mặn chưa có Ông liền pha trà và xin lỗi hai vị khách ngồi chờ rồi chạy ra chợ. Đến hàng thịt heo, ông chọn mua hơn cân xương sườn rẻ quạt và 2 chân giò. Cô hàng thịt cân gói xương, giò xong lặng lẽ chờ ông trả tiền. Lục các túi trong người, giật mình thấy không còn hào nào, nhưng Tú Xương nhanh trí ứng biến:
– Thôi chết, nhà có khách vội quá, quên mang theo tiền. Tôi là Tú Xương, xin khất nợ cô, mai tôi đem tiền đến trả đủ có được không? Cô hàng thịt dù ít học, nhưng đã nghe danh và từng đọc thơ Tú Xương nên tỏ ra nhã nhặn, thông cảm ngay.
– Cũng được, mai bác nhớ đem tiền ra cho em.
Nói xong cô mỉm cười trêu nhà thơ nghèo: Giờ em xin bác mấy chữ biên nhận để làm tin. Giấy viết được đem ra, Tú Xương gật gù vài giây rồi cầm viết hí hoáy đề 4 câu như sau:
TÚ tài đi chợ quên tiền
XƯƠNG sườn, giò lợn, bạn hiền chờ ăn
NỢ đời nặng gánh phong trần
EM đâu nỡ để tần ngần khách thơ.
Quả tài tình, trong thơ không nói gì về khất nợ, nhưng 4 chữ đầu câu cố ý viết to và đậm hơn chữ thường, đọc theo hàng dọc sẽ thành: Tú Xương nợ em.
Cô hàng thịt đọc qua rất hài lòng và thán phục tài thơ phú của Tú Xương. Do vậy, cô xin giữ lại bài thơ, tặng thêm cho ông 1 quả tim và 2 trái cật lợn nữa. và nói: “Em đổi lấy thịt cho bác. Xem như khỏi nợ nần gì nhau nhé!” Nhờ đó, Ông Tú non Côi, sông Vị có món ngon rộng đường thiết đãi bạn thơ.
Theo Tầm Nhìn