Ban Vận động “Trái tim Người lính” gồm Đặng Vương Hưng, Lê Duy Hảo, Ngô Văn Học, Trần Trung Hiếu, Quốc Toản, Hà Minh Sơn, Lê Đức Nghinh, Đào Duy Mười, Hồ Tuấn.
Hàng trăm CCB đã tham dự Lễ Ra mắt Ban Vận động, trong đó có cả Tướng lĩnh và nhiều sĩ quan cao cấp của Quân đội, Công an. Tại buổi lễ xúc động và rưng rưng nước mắt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh (CCB) Mặt trận Vị Xuyên đã phát biểu nhấn mạnh: “Cảm ơn “Trái tim Người lính” – Rất CCB, nhưng cũng rất tình cảm và nhân văn, hi vọng sẽ đi vào lòng người và lan toả trong xã hội!” Tham dự sự kiện ra mắt ấy, còn một nhóm CCB Mỹ từng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam và đại diện một số cơ quan Báo chí – Truyền thông của thủ đô Hà Nội.
Kể từ tháng 12/2016, Ban Vận động “Trái tim Người lính” đã âm thầm, lặng lẽ hoạt động, tìm hướng đi riêng, để “truyền lửa” cho các CCB và thế hệ trẻ về Lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Thông qua các sự kiện “Gặp mặt Đồng đội” cảm động và thiêng liêng, để kết nối các cựu chiến binh nhiều thế hệ với tinh thần “từ trái tim đến với trái tim”. Ngay trong năm 2017, nhóm đã là “hậu trường thầm lặng” thiết kế kỹ thuật, mời nhiều cơ quan có uy tín đứng tên tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến Việt Nam với Lịch sử, Truyền thống và Văn hoá dân tộc”. Năm 2018, nhóm tiến hành biên soạn và giới thiệu cuốn sách đầu tiên “Những người đi giữ biên cương” (Nhiều tác giả). Năm 2019, nhóm lại làm nòng cốt trong việc biên soạn và giới thiệu cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) – Góc nhìn Báo chí” (Nhiều tác giả),… Tất cả những hoạt động đó, đều nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và gây tiếng vang trong dư luận báo chí cả nước.
Đặc biệt, đầu năm 2020, Ban Vận động “Trái tim Người lính” bắt đầu công khai giới thiệu và quảng bá cho Logo biểu tượng nhận diện của “Trái tim Người lính”: hình hoạ là 2 trái tim lồng vào nhau, với 2 màu chủ đạo là màu đỏ của máu và màu xanh áo lính. Ngoài tên tiếng Việt, còn có dòng tiếng Anh (Soldier’s Heart Club) nhằm “kết nối các CCB từ nhiều phía” đến Việt Nam từ khắp thế giới. Trước đây, họ có thể là kẻ thù xâm lược, nhưng nay họ đã là bạn và là đối tác của chúng ta. (Hiện nay, logo nhận diện thương hiệu đó đã được thống nhất đưa vào trong con dấu pháp nhân của “Trái tim Người lính”).
Điểm nhấn của Ban Vận động “Trái tim Người lính” là việc phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo bộ sách đồ sộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam” (4 tập, mỗi tập dày hơn ngàn trang). Thông qua Diễn đàn “Trái tim Người lính” trên mạng facebook, hàng vạn bản PDF ruột của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” (có lồng logo nhận diện thương hiệu của “Trái tim Người lính”) đã được chia sẻ miễn phí tới cộng đồng xã hội. Chỉ riêng trong tháng 7/2020, “Trái tim Người lính” đã liên tiếp phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức 2 sự kiện gặp mặt nhân chứng lịch sử và toạ đàm về bộ sách nêu trên tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Tháng 11/2020, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, “Trái tim Người lính” cũng đã chủ trì phối hợp tổ chức thành công việc ấn hành và giới thiệu nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của Nhà giáo, Thương binh Đinh Đức Lâm…
“Trái tim người lính” cũng là tên một Nhóm Diễn đàn trên mạng xã hội facebook, được hình thành từ cuối năm 2019 và phát triển rất nhanh khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ việc dãn cách xã hội và làm việc online tại nhà. Với tôn chỉ mục đích nhân văn “Kết nối và Chia sẻ – Tôn vinh và Tri ân”, từ khi mới thành lập chỉ có khoảng vài trăm CCB tham gia, sau một năm xây dựng và trưởng thành, Nhóm “Trái tim Người lính” hiện đã có hơn 40.000 thành viên với nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. “Trái tim Người lính” không chỉ kết nối các CCB từ nhiều phía, mà còn hướng tới các đối tượng là những nhà nghiên cứu, giáo viên phổ thông, những người trẻ tuổi, những người đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; nhằm góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và ngoại giao nhân dân. Trong các sự kiện “Gặp mặt Nhân chứng lịch sử” do “Trái tim Người lính” tổ chức, thường có rất nhiều Tướng lĩnh, cán bộ cao cấp Quân đội và Công an được mời tham gia Hội đồng Cố vấn; nhưng Ban Điều hành chủ trương tôn vinh những người lính, nên Nhóm Thường trực đã quyết định không đeo quân hàm, để tất cả những cựu chiến binh đều cảm thấy bình đẳng như nhau. Ai cũng có quyền được thể hiện mình, theo đúng tinh thần “Từ trái tim đến với trái tim”.
Nhằm tiếp tục thực hiện bộ sách Những lá Thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam; phát hiện những câu chuyện hay, những mối tình đẹp, lãng mạn và cảm động trong kháng chiến dành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới – hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc; theo ý tưởng và đề xuất của Đại tá, nhà văn, CCB Đặng Vương Hưng, từ tháng 7/2020, “Trái tim Người lính” đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tổ chức Cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu trong chiến tranh” trong 3 năm (2020 – 2022) bằng kinh phí xã hội hóa. Cuộc vận động ý nghĩa và nhân văn này, do Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam bảo trợ truyền thông.
Một dấu mốc nổi bật trong sự phát triển của “Trái tim Người lính” là việc ký kết thoả thuận hợp tác Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đồng tổ chức cuộc vận động sưu tầm kỷ vật và thi viết với chủ đề “Tình yêu đi qua chiến tranh” trong 3 năm (2020 – 2022) trước sự chứng kiến của báo giới. Bằng việc sử dụng thế mạnh và tương tác nhanh của mạng xã hội facebook, diễn đàn “Trái tim Người lính” đã kết nối thành công hàng vạn các cựu chiến binh, hàng ngàn giáo viên phổ thông và các nhân chứng lịch sử khắp mọi miền đất nước. Nhiều cây bút tham gia “Trái tim Người lính” đã thực hiện những bài viết “gọi hồn kỉ vật”, góp phần làm sống lại nhiều số phận nhân vật những người lính đã đi qua chiến tranh. Và cuốn sách cùng tên “Trái tim Người lính” (tập 1) được ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2020) là kết quả bước đầu của sự ký kết hợp tác, thoả thuận nêu trên. Hơn 40 bài viết của hơn 40 tác giả với chủ đề ‘Tình yêu trong chiến tranh” cũng đã phần nào khái quát được “Trái tim Người lính” qua các thời kỳ: chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hi vọng “Trái tim Người lính” góp phần càng làm sáng lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Để CLB“Trái tim Người lính” hoạt động chính danh và hợp pháp; được phép tổ chức bản thảo, liên kết xuất bản sách tư liệu chiến tranh, được phép tổ chức các sự kiện “Gặp mặt Đồng đội”, có sự chứng kiến của Báo chí – Truyền thông, như đã từng phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị thực hiện trong 4 năm qua; Ban Vận động “Trái tim Người lính” đã thông qua tư vấn của một Văn phòng Luật sư thành lập Công ty Cổ phần Truyền thông “Trái tim Người lính”, có con dấu và tài khoản riêng, nhằm giải quyết những thủ tục về Hành chính và giao dịch về Tài chính của CLB “Trái tim Người lính” khi cần thiết. Theo đúng thủ tục pháp lý, Hội đồng Quản trị của Công ty đã ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” Việt Nam và ban hành Điều lệ Tổ chức hoạt động cụ thể, chi tiết (gồm 8 Chương, 28 Điều, dung lượng chữ 10 trang A4). Tuy không nhằm mục đích kinh doanh, nhưng đây sẽ là cơ sở pháp nhân, để các CLB “Trái tim Người lính” có thể huy động nguồn kinh phí xã hội hoá cho những sự kiện “Gặp mặt Đồng đội” của các CCB từ nhiều phía, dự kiến sẽ diễn ra thường niên, ở nhiều địa phương tỉnh thành trên cả nước trong thời gian tới.
Vậy là sau 4 năm, từ ý tưởng đến hiện thực, CLB Trái tim người lính (Soldier’s Heart Club) Việt Nam – một diễn đàn của các Cựu chiến binh trên mạng xã hội facebook (tên gọi tắt là TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH) đã chính thức ra mắt. Đại tá, nhà văn, CCB Đặng Vương Hưng, người sáng lập và tổ chức “Trái tim Người lính” cho biết: Có thể coi “Trái tim Người lính” là một sản phẩm của thời 4.0 và doanh nghiệp “chuyển đổi số”. Chúng tôi muốn tận dụng sự tiếp cận và tương tác nhanh của mạng xã hội trong khi cả thế giới phòng chống dịch bệnh Covid-19, biến những hạn chế trở thành lợi thế phục vụ cuộc sống con người. Để Câu lạc bộ tiếp tục phát triển đúng hướng, mang tính nhân văn và lan toả trên phạm vi cả nước, chúng tôi hy vọng và mong muốn: thông qua Diễn đàn trên facebook và logo nhận diện thương hiệu chung, các CCB ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước có thể liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ thành lập CLB “Trái tim người lính” cấp cơ sởm lấy tên địa phương mình. (Ví dụ như: CBL Trái tim Người lính Thái Nguyên, CLB Trái tim Người lính Cao Bằng, CLB Trái tim Người lính Đà Nẵng, CLB Trái tim Người lính Cà Mau, v.v…). Mỗi CLB sẽ có một Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên và nhiều Thành viên để cùng “Kết nối và Chia sẻ – Tôn vinh và Tri ân”, nhằm mang lại hữu ích cho cộng đồng xã hội nói chung và Người Lính nói riêng. Chúng tôi tin rằng “Trái tim Người lính” mang tính kế thừa, nên mong muốn ngày càng có thêm nhiều những bạn trẻ cùng tham gia!
Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ ra mắt “Trái tim Người lính” , hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật và thi viết với chủ đề “Tình yêu đi qua chiến tranh”, hàng chục kỷ vật có gía trị, đã được các Tướng lĩnh và CCB trao tặng. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận các hiện vật từ các gia đình:
Gia đình Anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Kim Quy (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh – Bộ CA) và Phu nhân lên trao tặng kỷ vật những lá thư “Tình yêu đi qua chiến tranh”; Gia đình Thượng tá Bác sĩ quân y Thày thuốc ưu tú Ngô Thế Sơn – Thượng tá, Bác sĩ quân y Nguyễn Thị Thanh Bình lên trao tặng quyển sổ chị chép lại toàn bộ bức thư của bố là liệt sĩ gửi về cho mẹ và chị gái, thư tỏ tình, thư con gửi cho bố và hàng trăm lá thư khi anh Ngô Thế Sơn ở ở Biên giới Tây Nam và Lạng Sơn gửi cho chị Nguyễn Thị Bình; PGS.TS Nguyễn Thị Phượng trao tặng kỷ vật của anh (mảnh dù, ví thư của chồng); Thương binh, Cựu tù binh Phú Quốc Ngô Chính Chữ (tác giả của bản thảo tự truyện hàng ngàn trang).
Theo Tầm Nhìn