Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng cam sạch của tỉnh Hà Giang
Mô hình cung ứng cam sạch của tỉnh Hà Giang nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo lòng tin của khách hàng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước, và thúc đẩy xuất khẩu.
TÓM TẮT:
Nghiên cứu xây dựng một mô hình cung ứng cam sạch của tỉnh Hà Giang nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại ý nghĩa to lớn trong việc có được lòng tin của khách hàng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước, và thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào phân tích và đánh giá các tác nhân trong chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng và mối liên kết giữa các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp để có thể thực hiện hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng cam đề xuất cho tỉnh Hà Giang.
1. Thực trạng cung ứng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hà Giang
Để tìm hiểu và phân tích thực trạng chuỗi cung ứng cam Hà Giang, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát tại 273 hộ nông dân, tổ sản xuất và Hợp tác xã (HTX) trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị xuyên; khảo sát 20 nhà bán buôn/ bán lẻ cam, 2 công ty chế biến cam và phỏng vấn 5 chuyên gia tại Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang.
Theo đó, cam ở Hà Giang tiêu thụ theo những kênh sau đây:
Kênh 1: Người trồng cam → Bán lẻ trong tỉnh → Người tiêu dùng trong tỉnh
Khảo sát cho thấy, có 19,4% người trồng cam bán cam cho người bán lẻ trong tỉnh với 5% tổng sản lượng cam được trồng, bởi người nông dân và toàn bộ sản lượng này bán cho người tiêu dùng trong tỉnh. Người bán lẻ trong tỉnh mua 1,2% sản lượng của người bán buôn trong tỉnh và 32,8% sản lượng của người thu gom trong tỉnh. Như vậy, người bán lẻ trong tỉnh mua khoảng 7,3% tổng sản lượng mà người trồng cam sản xuất ra và bán hết cho người tiêu dùng trong tỉnh.
Kênh 2: Người trồng cam → Thu gom trong tỉnh → Người tiêu dùng trong tỉnh
Theo kênh này, có 41,9% nông hộ bán cam cho người thu gom trong tỉnh với 16,7% tổng sản lượng. Kế đó, người thu gom trong tỉnh bán 1,5% trong số 16,7% sản lượng trực tiếp cho người tiêu dùng trong tỉnh. Thu gom trong tỉnh phân phối 2,2% cho người bán lẻ và 0,6% cho người bán buôn trong tỉnh. Ngoài ra, người thu gom trong tỉnh phân phối 7,7% cho người thu gom ngoài tỉnh, 1,3% cho người bán buôn ngoài tỉnh và 3,2% cho các siêu thị, các cửa hàng rau quả sạch ngoài tỉnh.
Kênh 3: Người trồng cam → Thu gom trong tỉnh → Người bán lẻ → Người tiêu dùng trong tỉnh
Người trồng cam bán 16,7% tổng sản lượng cho thu gom trong tỉnh. Kế đó thu gom trong tỉnh phân phối 2,2% trong số 16,7% tổng sản lượng cho người bán lẻ của cả tỉnh, người bán lẻ trong tỉnh bán toàn bộ cho người tiêu dùng trong tỉnh. Khoảng 12,2% sản lượng của người thu gom trong số 16,7% phân phối và bán ra thị trường ngoài tỉnh. 2,1% còn lại phân phối và bán cho thị trường trong tỉnh. Ngoài ra, người bán lẻ trong tỉnh mua 5% sản lượng từ người trồng cam và 0,1% từ người bán buôn trong tỉnh đều bán hết cho người tiêu dùng trong tỉnh.
2. Mô hình chuỗi cung ứng cam sạch đề xuất cho Hà Giang
2.1. Cấu trúc chuỗi cung ứng cam sạch đề xuất cho Hà Giang
Mô hình chuỗi cung ứng mặt hàng đề xuất cho tỉnh Hà Giang được nhóm tác giả thể hiện trong Hình 1.
Chuỗi cung ứng cam của Hà Giang là một hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt (và thu hoạch), thu mua, chế biến (mứt cam, tinh dầu cam), thương mại/ phân phối và tiêu thụ cuối cùng. Nghiên cứu tập trung và bổ sung khâu sơ chế, chế biến vào chuỗi cung ứng. Về tiêu thụ sản phẩm, nhóm tác giả hướng tới cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Năm thành phần chính tham gia vào chuỗi cung ứng cam Hà Giang là: Nhà cung ứng đầu vào, người nông dân, hệ thống thương lái, các doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu, các nhà bán lẻ. Ngoài ra, trong mô hình còn xuất hiện vai trò của Ban quản trị chuỗi cung ứng, là tập hợp những đại diện của 5 thành phần chính tham gia trong chuỗi, có chức năng điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng. Có như vậy, chuỗi cung ứng cam của tỉnh Hà Giang mới được thống nhất và hoạt động nhịp nhàng.
Hoạt động của chuỗi còn phải kể tới vai trò không thể thiếu của các thể chế yểm trợ như tỉnh ủy tỉnh Hà Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, Sở Công Thương Hà Giang, Hiệp hội Rau quả Việt Nam Vinafruit, Viện Nghiên cứu cây trồng, Ngân hàng…, cùng với vai trò quan trọng của sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Mô hình liên kết theo chuỗi cung ứng là quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh tế tham gia vào chuỗi, vì vậy vấn đề cốt lõi là không thể gắn một cơ quan chính quyền, nhà nước hay một tổ chức phi kinh tế nào trong vai trò quản lý trong chuỗi. Mà theo đó, các cơ quan chức năng trên có vai trò quan trọng rất rõ trong việc hoạch định chính sách, chủ trương, khung pháp lý cho sự hoạt động của từng thành phần cũng như của toàn chuỗi. Các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng như các viện, trường, hiệp hội… sẽ tham gia vào quá trình hỗ trợ, chuyển giao tri thức, kinh nghiệm tổ chức và vận hành các chuỗi, đặc biệt là đối với người nông dân – chủ thể còn thiếu thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về chuỗi cung ứng.
Hình 2: Sự liên kết và các tác nhân trong mô hình chuỗi cung ứng cam sạch đề xuất cho Hà Giang
Trong đó:
→ dòng sản phẩm
–> dòng tài chính
↔ dòng thông tin
Chủ thể tham gia chuỗi cung ứng cam của Hà Giang: Trong mô hình chuỗi cung ứng nông sản đề xuất cho Hà Giang, vai trò và nhiệm vụ của các chủ thể cụ thể như sau:
– Nhà cung ứng đầu vào là chủ thể cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho chuỗi cung ứng, bao gồm giống, phân bón, các thiết bị nông nghiệp, tưới tiêu,… Nhà cung ứng đầu vào trong chuỗi cung ứng nông sản được HTX và nông dân lựa chọn cũng như hợp tác nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn ngay từ bước đầu tiên của chuỗi.
– Người nông dân/ Hợp tác xã trong mô hình đề xuất cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đây là chủ thể quyết định đến phẩm chất ban đầu của nông sản trước khi được đưa đến doanh nghiệp trung tâm để phân phối đến người tiêu dùng. Khi triển khai chuỗi cung ứng mặt hàng cam sạch, người nông dân cần được đào tạo nâng cao trình độ để đảm bảo rằng họ có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng nông sản cùng với các chủ thể khác.
– Người thu mua (thương lái) là người trung gian trong chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản. Để mô hình liên kết có hiệu quả, thương lái sẽ được ban quản trị và hợp tác xã cung cấp thông tin thị trường, giá cả, chủng loại, phẩm chất và thời gian giao hàng. Ban quản trị sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của thương lái, đảm bảo thương lái cung cấp nguồn hàng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng.
– Doanh nghiệp chế biến/ xuất khẩu: Doanh nghiệp chế biến trong chuỗi cung ứng cam đóng vai trò là doanh nghiệp trung tâm, điều phối, quản lý và liên kết với từng chủ thế trong chuỗi. Doanh nghiệp chế biến có thể đồng thời là nhà xuất khẩu, nhưng cũng có thể là 2 khâu riêng biệt phụ thuộc vào tiềm lực của doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu đó. Sản phẩm sau khi được chế biến sẽ được chuyển sang khâu xuất khẩu đến thị trường nước ngoài.
– Đại lý phân phối/bán lẻ: Đây là trung gian không thể thiếu để gắn kết doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng. Đại lý phân phối/bán lẻ có nhiệm vụ nhập hàng từ doanh nghiệp chế biến, dự trữ và phân phối đến tay người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ theo dõi nhu cầu của khách hàng, quảng cáo tới khách hàng và kết hợp sản phẩm với nhiều lựa chọn về giá cả và dịch vụ để thu hút khách hàng.
– Người tiêu dùng trong nước/ nước ngoài: Người tiêu dùng đại diện cho nhu cầu thị trường, tạo nên lợi nhuận cho toàn chuỗi cung ứng nông sản. Vai trò của người tiêu dùng hiện nay trong chuỗi cung ứng cam của Hà Giang chưa được đánh giá cao, tuy nhiên khi thực hiện chuỗi cung ứng nông sản, người tiêu dùng là những người quyết định sự hoàn thiện của cả chuỗi. Trong tương lai, để chuỗi cung ứng cam Hà Giang thành công, người tiêu dùng cũng cần được xác định rõ vị trí và vai trò của mình, từ đó chủ động tuân theo những quy chuẩn chung trong toàn bộ chuỗi.
– Ban Quản trị chuỗi cung ứng: Sự thành công của chuỗi cung ứng cam Hà Giang phụ thuộc vào Ban quản trị chuỗi cung ứng. Để hình thành một chuỗi cung ứng hàng nông sản và duy trì liên kết trong chuỗi cung ứng này đòi hỏi phải xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ban quản trị trong chuỗi cung ứng. Nhìn chung, ban quản trị có nhiệm vụ phối hợp, liên kết với ngành Nông nghiệp, các viện khoa học, trường đại học và các hợp tác xã/ người nông dân với các thương lái, doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu, từ đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Quản trị viên chuỗi cung ứng là những thành viên tiêu biểu đại diện cho mỗi một mắt xích trong chuỗi cung ứng.
2.2. Hoạt động và liên kết trong chuỗi cung ứng nông sản đề xuất cho Hà Giang
Việc xác lập cơ chế hợp tác giữa các thành phần chính trong chuỗi cung ứng sẽ là tiền đề quan trọng cho sự lưu thông của 3 dòng chảy chính trong chuỗi cung ứng là: Hàng hóa, tài chính và thông tin. Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả sẽ tiếp cận cơ chế hợp tác này theo 5 thành phần cơ bản của chuỗi gồm: Sản xuất, hàng tồn kho, vận chuyển, định vị và thông tin.
2.2.1. Cơ chế hợp tác trong sản xuất:
Muốn chuỗi cung ứng cam sạch được hoàn thiện thì cần phải kiểm soát được ngay từ khâu đầu vào. HTX và viện nghiên cứu cung cấp cho người nông dân đầu vào sản xuất như giống cam, phân bón theo nhu cầu thị trường và định hướng quốc gia, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để hạ giá thành và đảm bảo năng suất chất lượng cam.
Trong điều kiện trồng cam ở tỉnh Hà Giang, để tiêu thụ sản phẩm được tốt thì sản lượng phải đủ lớn và tập trung. Việc thành lập các HTX là thích hợp và nên thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Chính quyền các cấp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nông dân hỗ trợ việc thành lập các tổ chức trên để đại diện cho người dân có thể đàm phán với doanh nghiệp, thương lái, tạo thế bình đẳng trong quan hệ mua bán.
Nông sản được sản xuất dưới sự kiểm soát chất lượng của Ban Quản trị, đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng cả về số lượng và chất lượng cho chuỗi cung ứng. Ngay sau khi thu hoạch, nông sản phải được người nông dân hoặc hợp tác xã chọn lọc và đưa vào bảo quản ngay trong kho để đảm bảo chất lượng ban đầu của cam.
2.2.2. Cơ chế dự trữ hàng tồn kho
Độ ẩm của cam cao nên việc bảo quản sau khi thu hoạch là một vấn đề bức thiết. Do đó, quy hoạch hệ thống tạm trữ phải đồng bộ với hệ thống chế biến. Cơ chế liên kết trong hoạt động lưu kho phụ thuộc nhiều vào việc thông tin kết nối giữa kinh doanh sản xuất của từng mắt xích trong chuỗi, đặc biệt là của nhà máy chế biến. Bản thân HTX phải tính toán hợp lý chu kỳ sản xuất để phù hợp với nhu cầu về nguyên liệu của chuỗi trong từng thời kỳ nhất định.
2.2.3. Cơ chế vận chuyển
Trong mô hình liên kết về vận tải, sự xuất hiện của công ty cung ứng dịch vụ vận tải sẽ nhằm giúp quá trình vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa đúng lúc và kịp thời, hạn chế sự gián đoạn trong khâu vận chuyển. Phương thức vận tải quyết định đến sự lưu thông của cam trong chuỗi, nên nó đóng vai trò đảm bảo tính kịp thời, bảo quản nguyên liệu trong quá trình vận chuyển, tăng hiệu quả năng suất sau thu hoạch. Việc thuê ngoài dịch vụ vận tải sẽ do Ban quản trị chuỗi cung ứng quản lý. Tất cả hoạt động sản xuất trong chuỗi đều được tập trung về Ban Quản trị. Trên cơ sở đó, Ban Quản trị sẽ điều phối toàn bộ lịch trình vận tải của chuỗi.
2.2.4. Cơ chế định vị
Định vị trong việc xây dựng chuỗi cung ứng quan trọng không kém so với hệ thống vận tải hay thông tin. Dựa trên sự cân nhắc giữa tính đáp ứng nhanh và hiệu quả, cộng với đặc thù của tỉnh Hà Giang, tập trung các cơ sở cung ứng giống, cơ sở trồng cam và các nhà máy chế biến, từ đó đề xuất định vị tập trung các hoạt động một vài vị trí nhằm giảm được chi phí nhờ quy mô và hiệu quả. Các quyết định về định vị có tác động mạnh mẽ đến các chi phí và đặc tính của chuỗi cung ứng, đồng thời cũng phản ánh chiến lược cơ bản của doanh nghiệp trong việc xây dựng và phân phối sản phẩm ra thị trường.
2.2.5. Cơ chế trao đổi thông tin
Cơ chế trao đổi thông tin trong chuỗi cung ứng được quyết định bởi sự xuất hiện vai trò của Ban Quản trị chuỗi cung ứng. Ban Quản trị chuỗi cung ứng là đại diện cho toàn bộ chuỗi trong vai trò điều phối, đảm bảo thông tin xuyên suốt của chuỗi. Thành viên trong Ban Quản trị nên gồm người đại diện cho: HTX đại diện cho người nông dân, công ty thu mua (thương lái), doanh nghiệp chế biến, đại lý phân phối, doanh nghiệp xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, Ban Quản trị cần phải đảm bảo tính chất trung lập với các bên liên quan ngay khi được thành lập, để đảm bảo tính khách quan khi cung cấp thông tin cho các bên.
Khi hoạt động cung ứng cam Hà Giang được tổ chức thành chuỗi, xét về góc độ quản lý, ta có thể xem chuỗi như là một doanh nghiệp, trong đó các thành viên trong chuỗi hoạt động như các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp và chịu sự điều phối của Ban Quản trị. Tuy nhiên, khác với mô hình doanh nghiệp thông thường, vai trò của Ban Quản trị trong mô hình chuỗi được giới hạn trong chức năng điều phối thông tin giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng.
3. Giải pháp đề xuất để chuỗi cung ứng mặt hàng cam Hà Giang vận hành hiệu quả
Đầu tiên, xây dựng và nhân rộng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP tại các trang trại, hộ sản xuất. Thực hiện hỗ trợ cho nông dân tiếp cận với các quy trình sản xuất tiến bộ này để từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, từ đó đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và có hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, quy hoạch hệ thống sản xuất cam phục vụ cho xuất khẩu. Trọng điểm là các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên vốn có những ưu đãi về thổ nhưỡng, hệ thống tưới tiêu và tập quán – kinh nghiệm trồng cam. Các huyện này nên quy hoạch phát triển sản xuất các loại cam có chất lượng tốt, khối lượng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, dù là vùng sản xuất cam xuất khẩu loại nào đều phải phấn đấu trước hết về mặt chất lượng. Để nâng cao phẩm chất cam xuất khẩu, cần chú ý quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến thu gom, sơ chế và chế biến cam. Ngoài ra, ở vùng này nên tiến hành thí điểm việc khu vực hóa một số giống cam chất lượng cao có thể nhập nội. Từng bước tăng dần tỷ lệ cam xuất khẩu chất lượng cao trong cơ cấu cam xuất khẩu của vùng này.
Thứ ba, ứng dụng khoa học – công nghệ vào chế biến các sản phẩm từ cam do doanh nghiệp làm đầu mối đóng vai trò chính đang được chứng minh là mô hình phù hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trong chuỗi cung ứng này, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn. Khi quy hoạch vùng sản phẩm, doanh nghiệp, nhà nông sẽ thuận lợi hơn khi ứng dụng khoa học – công nghệ theo quy mô lớn, giúp tăng giá trị sản phẩm và nâng cao lợi nhuận. Do sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, chuỗi cung ứng không những đem lại hiệu quả kinh tế lớn mà nó còn góp phần vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ tư, các Sở, Ngành của tỉnh Hà Giang như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cần nhanh chóng thực hiện liên kết giữa các bên trong chuỗi góp phần đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Những mối liên kết đó bao gồm liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân,… nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, thương hiệu, uy tín thị trường.
Thứ năm, nghiên cứu, phân tích đánh giá thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, thăm dò, tìm kiếm nhu cầu khách hàng ở các thị trường đó bằng cách đến tìm hiểu, khai thác, nắm bắt tình hình về thị hiếu tiêu dùng, khả năng tiêu thụ, khả năng thanh toán, phương thức vận chuyển cũng như chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng,… Chỉ có như vậy, người sản xuất mới có thể tiếp cận và chiếm lĩnh các thị trường một cách chủ động.
4. Kết luận
Dựa trên những phân tích chuỗi cung ứng cam Hà Giang hiện nay thông qua một cuộc khảo sát trên 273 tác nhân tham gia vào chuỗi, nghiên cứu đã đề xuất một mô hình cung ứng cam Hà Giang hiệu quả và hiện đại. Theo đó, nhóm tác giả xây dựng một mô hình chuỗi cung ứng khép kín, tập trung cả vào thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.
Nghiên cứu đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đến hoạt động và tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra đề xuất xây dựng một chuỗi cung ứng hiện đại từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng bằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Bài nghiên cứu thuộc đề tài “Nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch của tỉnh Hà Giang” theo hợp đồng số 207/HĐ-SKHCN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (2015), Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị (SIP).
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang. Báo cáo kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang các năm 2011 – 2015.
- Nguyễn Phú Son và CTV, (2012), Báo cáo phân tích chuỗi giá trị các sản phẩm Táo, Tỏi và Nho tỉnh Ninh Thuận, Dự án hỗ trợ tam nông tỉnh Ninh Thuận, Trường Đại học Cần Thơ.
- Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang (2016), Báo cáo kết quả cung ứng giống cam giai đoạn 2013 – 2015.
- Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang (2016), Báo cáo đánh giá tình hình phát triển cam giai đoạn 2013 – 2015, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang (2020), Đề án Phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Môi trường và Đô thị VN