Cuối tháng 8 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ông Trần Ngọc Siêu và Công ty TNHH Sông Thao.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2009, Công ty Sông Thao vay Ngân hàng Oceanbank số tiền 40,5 tỷ đồng và thế chấp 2 tài sản gồm toàn bộ tài sản hình thành trên đất để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy diện tích 859.182,4 m2 tại xã La Phù, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ và nhà đất ở phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội diện tích 545,7 m2. Thời gian vay là 84 tháng.
Riêng khu suối khoáng nóng Thanh Thủy có giá trị khoảng 65,5 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn, Công ty Sông Thao chưa thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ nên khoản nợ trên trở thành nợ xấu (nợ gốc là 34 tỷ đồng).
Năm 2018, Ngân hàng Oceanbank đã đấu giá khoản nợ trên. Ông Trần Ngọc Siêu là người trúng đấu giá với giá 50,2 tỷ đồng, nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ khoản nợ trên. Đồng nghĩa là ông Siêu trở thành chủ nợ mới của Công ty Sông Thao.
Sau đó, Công ty Sông Thao tiếp tục không thanh toán nợ và cũng không chuyển giao tài sản thế chấp, buộc ông Siêu khởi kiện ra tòa. Theo đó, ông Siêu yêu cầu Công ty TNHH Sông Thao phải thanh toán nợ gốc và lãi là 138,4 tỷ đồng.
Công ty Sông Thao cho rằng, vào thời điểm ký hợp đồng tín dụng, Công ty tạm thời mất năng lực hành vi dân sự do Chủ tịch HĐTV (nắm giữ 99,52% cổ phần) bị chết đột ngột năm 2007. Cho đến thời điểm ký hợp đồng vẫn chưa tìm được người thừa kế.
Công ty không có nghị quyết của HĐTV về vay vốn Oceanbank. Công ty đề nghị tuyên bố hợp đồng tín dụng và thế chấp khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Thanh Thủy vô hiệu. Tuy nhiên, yêu cầu này không được tòa án chấp nhận.
Năm 2019, tòa án sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty Sông Thao phải thanh toán 106,7 tỷ đồng.
Không chấp nhận bản án trên, Công ty Sông Thao kháng cáo. Chủ tài sản ở phố Bà Triệu yêu cầu đề nghị vô hiệu hợp đồng thế chấp do đây là tài sản của vợ chồng nhưng không có ý kiến của bà vợ.
Khi xem xét, tòa phúc thẩm nhận định, việc thế chấp đã có giấy ủy quyền của bà vợ nên có hiệu lực. Tương tự, việc thế chấp khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy cũng được thẩm định, công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm nên có hiệu lực.
Còn về phần lãi suất, tòa phúc thẩm điều chỉnh lại lãi suất quá hạn (7%/năm). Do đó, Công ty Sông Thao phải thanh toán số tiền là 93,8 tỷ đồng cho ông Siêu. Trường hợp Công ty không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì ông Siêu có quyền đề nghị phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Công ty Sông Thao được giao diện tích 859.182,4 m2 đất. Năm 2004, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định số 1174 thu hồi 11.117,6 m2 nằm trong diện tích xây chùa. Diện tích đất này không thuộc phần thế chấp.
Từ năm 2014 – 2019, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục thu hồi một phần diện tích đất để làm đường giao thông.
Theo bản án phúc thẩm, khi xử lý tài sản thế chấp thì các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sinh sống trên đó có nghĩa vụ chuyển đi nơi khác.
|
Theo Tin nhanh Chứng khoán